https://www.high-endrolex.com/4
https://www.high-endrolex.com/4
- Đăng bởi: Lưu Thị Hương - Ngày đăng : 25/09/2021 - Lượt xem 125
Tiền lương luôn là mối quan tâm hàng đầu đối với người lao động trong quá trình làm việc. Nhiều người có thể nhận thấy rằng, tiền lương nhận được vào những tháng có ngày lễ tết đều có sự thay đổi ít nhiều so với những tháng lương bình thường khác. Vậy tiền lương ngày lễ Tết được tính như thế nào theo luật mới năm 2021? Bài viết sẽ cung cấp những thông tin cụ thể để bạn đọc nắm rõ cách thức tính lương ngày lễ Tết chuẩn xác mà người sử dụng lao động (NSDLĐ) sẽ phải áp dụng để đảm bảo quyền lợi cho người lao động (NLĐ).
1. Quy định chung cơ bản về tiền lương năm 2021
Trước khi đi vào tìm hiểu nội dung chính, chúng tôi xin phép điểm qua một số quy định cơ bản về tiền lương mới nhất của năm 2021:
Luật mới cho phép người lao động có thể ủy quyền cho người khác nhận lương của mình. Căn cứ theo khoản 1 Điều 94, người được người lao động ủy quyền hợp pháp và có giấy tờ/bằng chứng chứng minh được sự ủy quyền này thì có thể được người sử dụng lao động chuyển trả lương của người lao động.
Người sử dụng lao động không có quyền dùng tiền lương của người lao động để ép họ mua hoặc sử dụng hàng hóa, dịch vụ mà đơn vị mình hoặc bất kỳ đơn vị nào khác.
NSDLĐ phải thực hiện thông báo bảng kê lương NLĐ trước khi trả lương.
NSDLĐ phải trả phí mở tài khoản khi thực hiện trả lương cho người lao động qua ngân hàng.
Một số quy định chi tiết về việc thỏa thuận tiền lương ngừng việc cũng được bổ sung. Theo đó Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung quy định: Các trường hợp, người lao động phải tạm ngưng công việc bởi sự cố khách quan về điện nước nhưng không phải do lỗi của NSDLĐ; Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, di dời địa điểm hoạt động… theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tiền lương ngừng việc sẽ được thỏa thuận trên cơ sở sau:
+ Tiền lương ngừng việc sẽ không thấp hơn mức lương tối thiểu nếu nghỉ từ 14 ngày làm việc trở xuống.
+ NLĐ phải ngưng làm việc trên 14 ngày thì tiền lương ngừng việc sẽ do thỏa thuận của 2 bên nhưng phải đảm bảo tiền lương trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Bố sung thêm các hình thức thưởng cho NLĐ. Ngoài bằng tiền có thể thưởng bằng tài sản hoặc bằng các hình thức khác tùy thuộc theo kết quả kinh doanh thực tế và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ.
2. Cách tính tiền lương ngày lễ tết năm 2021
Việc tính tiền lương ngày lễ tết trong năm 2021 được dựa theo một số văn bản nghị định pháp lý sau: Bộ luật Lao động năm 2019; Nghị định 145/2020/NĐ-CP; Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH.
a. Ngày nghỉ lễ Tết theo quy định bao gồm những ngày nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 112 của bộ luật lao động ngày nghỉ lễ Tết trong năm gồm có 11 ngày. Chi tiết như sau:
Nghỉ Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
Nghỉ Tết Âm lịch: 05 ngày. Thời gian cụ thể tùy ngày dương lịch của từng năm.
Nghỉ Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
Nghỉ Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
Nghỉ lễ Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
Nghỉ Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Kể từ năm 2021 ngày lễ Quốc Khánh sẽ được nghỉ 02 ngày. Về việc nghỉ 11 ngày lễ tết này, NLĐ sẽ vẫn được hưởng nguyên lương theo đúng chế độ.
b. Cách tính tiền lương ngày lễ Tết cho người lao động hưởng nguyên lương
Xác định tiền lương làm căn cứ để tính
Cơ sở pháp lý căn cứ để trả lương cho NLĐ ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ phép hàng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương là tại khoản 1 - Điều 112; Khoản 2 – Điều 113, Điều 114; Khoản 1 – Điều 115 của bộ Luật lao động. Theo đó tiền lương được hưởng trong các trường hợp này được tính theo tiền lương trong hợp đồng lao động tại thời điểm nghỉ.
Vấn đề cần được quan tâm ở đây đó là việc xác định tiền lương theo hợp đồng có bao gồm các khoản phụ cấp hay không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 90 của Bộ luật lao động 2019, tiền lương ngày nghỉ lễ Tết sẽ tính theo tiền lương của hợp đồng bao gồm: mức lương cơ bản, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Chúng ta cần nắm rõ, từng khoản tính lương này được quy định thế nào dựa vào nội dung khoản 5 Điều 3 của TT 10/2020/TT-BLĐTBXH. Cụ thể như sau:
Mức lương: là mức thù lao mà NSDLĐ và NLĐ đã thỏa thuận với nhau trước khi hợp tác. Đây có thể là số tiền lớn hay nhỏ tùy thuộc vào vị trí, năng suất hiệu quả làm việc của người lao động. Mức lương này có thể được tính theo thời gian làm việc hoặc khối lượng sản phẩm.
Phụ cấp lương: cũng được ghi nhận theo sự thỏa thuận của cả hai bên. Đó có thể là:
+ Các khoản phụ cấp lương để bù đắp về điều kiện làm việc, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động.
+ Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Các khoản bổ sung khác: được ghi nhận theo thỏa thuận của hai bên. Đó có thể là: các khoản bổ sung được xác định cụ thể hoặc các khoản bổ sung không được xác định cụ thể trong hợp đồng lao động.
Bạn đọc cần chú ý rằng, tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động trong ngày nghỉ lễ, tết không bao gồm các khoản chế độ khác quy định tại Điều 104 bộ luật lao động. Đó bao gồm các khoản như: tiền thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca, tiền hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, nhà ở, nuôi con nhỏ…
Đang đăng ký thông tin...